Viêm khớp thiếu niên thể hệ thống là một dạng bệnh thấp khớp xuất hiện ở đối tượng là trẻ em và vị thành niên. Bệnh được xác định khi người bệnh trải qua ít nhất 6 tuần với một hoặc nhiều triệu chứng viêm khớp. Nếu không được chăm sóc kịp thời, viêm khớp tự phát thiếu niên mang theo nguy cơ cao về tàn phế và tổn thương nặng nề cho xương khớp của trẻ. Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh từ giai đoạn đầu là quan trọng không chỉ để bảo vệ sức khỏe hiện tại mà còn để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.
Viêm khớp thiếu niên thể hệ thống là gì?
Viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống chiếm 5 – 15 % nhóm bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát. Đây là biểu hiện tổn thương nội tạng của bệnh với sốt cao đặc trưng, kèm các tổn thương lan tỏa ngoài khớp (da, mạch máu, tim, phổi, gan, lách, hạch …). Viêm khớp thường thoáng qua, nhưng các tổn thương ngoài khớp thường nặng và kéo dài có thể gây tử vong cho trẻ. Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện toàn thân khác như nhiễm trùng huyết, viêm da cơ, viêm đa cơ, bệnh Kawasaki, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behet, bạch huyết cấp…[1]
Viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống chiếm 5 – 15 % nhóm bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát
Nguyên nhân bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống
Mặc dù khởi phát của bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống có biểu hiện giống bệnh cảnh nhiễm trùng, nhưng không tìm thấy mối liên quan với các yếu tố vi khuẩn học. Đồng thời cũng không tìm thấy mối liên quan giữa bệnh và yếu tố gia đình, mùa.
Thể hệ thống có liên quan mật thiết với sự hoạt hoá của bạch cầu đa nhân trung tính (BCĐNTT) và đơn nhân hơn các thể lâm sàng khác và ít có liên quan với sự hoạt hoá của tế bào T. Các nghiên cứu cho thấy có sự bất thường của dòng BCĐNTT trong sự tương tác với tế bào T và những cơ chế khác của phản ứng viêm. Viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống có thể được coi như bệnh lý tự viêm (autoinflammatory disease) hơn là tự miễn.
Bất thường của các tế bào giết tự nhiên (NK) được tìm thấy ở thể hệ thống dẫn đến hội chứng hoạt hóa đại thực bào (MAS). IL 6 polymorphism thường phối hợp với thể hệ thống, nên thể lâm sàng này được coi như nhóm bệnh phụ thuộc IL6. [2]
Bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống có biểu hiện giống bệnh cảnh nhiễm trùng
Chẩn đoán bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp tự phát phổ biến nhất là thông qua xét nghiệm kháng thể và các chỉ số viêm trong máu.
Ban đầu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng với bệnh nhân và xác định bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể:
- Trẻ bắt đầu phát triển triệu chứng viêm khớp dưới 16 tuổi.
- Tình trạng sưng đau và hạn chế vận động xảy ra ít nhất tại một khớp.
- Triệu chứng xuất hiện ít nhất trong 6 tuần.
- Người bệnh được loại trừ khỏi những nguyên nhân khác gây sưng đau khớp.
Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để tiếp tục đánh giá tình trạng viêm khớp và xác định mức độ tổn thương. Các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:
- Xét nghiệm chỉ số ANA để đo lượng kháng thể trong máu.
- Xét nghiệm công thức máu để kiểm tra hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng, CRP để đánh giá tình trạng viêm.
- Kiểm tra yếu tố dạng thấp RF.
Trong những trường hợp cần đánh giá mức độ tổn thương của xương và khớp, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm như chụp CT, chụp MRI, hoặc chụp X-quang.
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng với bệnh nhân
Viêm khớp tự phát thiếu niên đều mối nguy hiểm không?
Viêm khớp thiếu niên thể hệ thống được coi là bệnh viêm khớp nguy hiểm, vì có thể dẫn đến tàn phế và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. [3]
Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh không gây ra những hậu quả nghiêm trọng bằng viêm khớp dạng thấp ở người lớn. Hầu hết các biểu hiện của bệnh chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không để lại di chứng cho trẻ. Tuy nhiên, do tiến triển của viêm khớp tự phát đa dạng, việc điều trị ngay từ khi mới phát hiện bệnh là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro biến dạng nặng của khớp.
Ngoài ra, trẻ mắc bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên cũng có nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan như viêm khớp dạng thấp (RA) khi trưởng thành. Do đó, việc duy trì sức khỏe cơ bản của xương khớp ở mức ổn định là cực kỳ quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cách điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên
Phương pháp chính trong điều trị viêm khớp thiếu niên thể hệ thống là sử dụng thuốc nội khoa. Bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của từng người bệnh.
Có 3 nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị bệnh JIA, bao gồm:
- Nhóm thuốc kháng viêm như NSAID và corticoid.
- Nhóm thuốc chống thấp khớp cổ điển.
- Nhóm thuốc sinh học và thuốc kháng TNF alpha.
Để tối ưu hóa quá trình điều trị và giảm tình trạng cứng khớp, người bệnh cũng có thể kết hợp với phương pháp tập vật lý trị liệu hoặc sử dụng sóng ngắn, tia hồng ngoại song song với việc sử dụng thuốc.
Điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên là sử dụng thuốc nội khoa
Phòng ngừa bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống
Hiện tại, không có biện pháp phòng tránh tuyệt đối cho bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ bằng cách duy trì chức năng cơ xương khớp và sức khỏe toàn diện. Đồng thời, quan tâm đặc biệt đến những cơn đau xương khớp không bình thường để thăm khám và có phác đồ điều trị, giảm thiểu rủi ro bệnh viêm khớp trở nên nặng nề.
Một số phương pháp khuyến khích để phòng tránh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống bao gồm:
- Phụ nữ mang thai nên hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc, cả thuốc lá thụ động và chủ động.
- Duy trì môi trường sống sạch sẽ nhằm giảm thiểu rủi ro nhiễm trùng và vi khuẩn từ môi trường.
- Bổ sung lượng vitamin D cần thiết để duy trì sức khỏe cơ bắp và xương khớp.
- Chăm sóc và quản lý sức khỏe cơ xương khớp, đặc biệt sau khi trải qua chấn thương đột ngột.
- Thực hiện luyện tập thể dục và thể thao đều đặn để củng cố hệ thống miễn dịch và tăng cường sức khỏe cơ bắp.
Nguồn tham khảo:
[1] Adams A. and Lehman T. J. (2005), “Update on the pathogenesis and treatment of systemic onset juvenile rheumatoid arthritis”, Curr Opin Rheumatol, 17(5), pp. 612-6.
[2] Fabrio De Benedetti and Rayfel Schneider (2011), “Systemic Juvenile Idiopathic Arthritis”, Textbook of Pediatric Rheumatology, 6th edition, Elsevier Saunders, Philadelphia, pp. 236-47.
[3] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554605/