Thoái hóa khớp gối hiện nay đang là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở các đối tượng trung niên và cao tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, gây đau đớn, khó chịu trong cuộc sống hàng ngày và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Hãy cùng TRAULEN tìm hiểu về nguyên nhân, biến chứng và phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối xảy ra do mất cân bằng giữa quá trình tái tạo và phá hủy của sụn khớp và xương dưới sụn, trong đó quá trình phá hủy chiếm ưu thế khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối phổ biến vì khớp gối thường xuyên phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển, đặc biệt là những người béo phì, những người lao động thường xuyên phải mang vác nặng, các vận động viên thể thao.
Nguyên nhân nguyên phát
- Lão hóa: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng tăng do tốc độ phá hủy sụn khớp ở người lớn tuổi ngày càng nhanh. Thoái hóa khớp gối là quy luật tự nhiên, tuy nhiên, tùy vào cơ địa, thói quen sinh hoạt, chất lượng cuộc sống mà quá trình thoái hóa đến sớm hay muộn, tiến triển nhanh hay chậm.
- Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền, những người này thường có khiếm khuyết ở gen tổng hợp Collagen và proteogycan là các thành phần cấu tạo chính của sụn.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối chủ yếu do lão hóa bởi tuổi tác, nhất là những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc
Nguyên nhân thứ phát
- Béo phì: Người béo phì làm khớp gối thường xuyên quá tải, thêm nữa mô mỡ giải phóng ra các cytokin viêm tác động lên mô sụn gây tổn thương sụn. Người béo phì có tỉ lệ thoái hóa khớp gối cao hơn người bình thường ở cùng độ tuổi gấp 2 – 3 lần.
- Tăng tải trọng lên khớp: Do tính chất công việc, những người thường xuyên phải mang vác nặng như công nhân khuân vác, thợ xây dựng… thì khớp gối thường bị thoái hóa sớm.
- Dị dạng bẩm sinh xương khớp gối: Các dị dạng bẩm sinh hệ xương khớp làm diện khớp gối bị tì nén nhiều hơn thì sụn khớp bị tổn thương sớm, làm khớp bị thoái hóa sớm hơn. Người có những dị dạng bất thường hệ xương khớp gối bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
- Tổn thương cơ học: Những người có tiền sử chấn thương, tai nạn làm tổn thương xương khớp gối có tỷ lệ mắc bị thoái hớp khớp gối cao hơn bình thường.
Triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Đau nhức trong khớp
- Người bệnh khi lên cầu thang, đi lại di chuyển, đứng lên ngồi xuống sẽ cảm giác gối yếu và đau nhẹ ở đầu gối và cơn đau tăng dần theo thời gian. Có tiếng lạo xạo khi vận động khớp. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Có thể có tràn dịch khớp.
- Trường hợp thoái hóa khớp gối ở mức độ nặng, bệnh nhân đi lại rất khó khăn, thậm chí không thể tự đi lại được. Chụp X-quang khớp gối thấy khe khớp hẹp, tăng đạm xương dưới sụn và bề mặt không đều, có các chồi xương hoặc gai xương ở rìa khớp
- Cơn đau nhức xương khớp gối đi kèm với cảm giác cứng khớp sau khi nghỉ ngơi.
- Thoái hóa khớp gối càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Khớp có thể bị sưng, đôi khi tràn dịch khớp. Các cơ xung quanh trở nên teo nhỏ hoặc yếu đi gây khó khăn cho vận động. Đau sẽ trở nên nặng hơn khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi thời tiết ẩm, nhất là khi kèm với áp suất không khí giảm.
- Mặc dù đau khớp có thể trầm trọng nhưng không bao giờ thấy biểu hiện của phản ứng viêm tại khớp gối, không sưng tấy, nóng đỏ tại khớp, trừ khi có tràn dịch khớp.

Bệnh thoái hóa khớp gối không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần điều trị, giảm triệu chứng dựa trên phân độ thoái hóa khớp gối để giúp người bệnh thoải mái hơn.
Hạn chế vận động khớp
– Các tác động của thoái hóa khớp gối bị hạn chế ở các mức độ khác nhau do đau nhức, sưng đỏ khiến vận động, di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Các dấu hiệu khác
– Có tiếng lạo xạo khi cử động khớp.
– Tràn dịch khớp: làm vùng khớp bị tổn thương sưng to, thường hay gặp ở khớp gối.
Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa khớp gối
- Giảm chất lượng cuộc sống: Khó khăn trong việc di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày, giảm năng suất làm việc.
- Teo cơ, bại liệt: Các cơ từ gối trở xuống sẽ dần có cảm giác yếu hơn, người bệnh khi đi lại có cảm giác run chân, dần dần chân đứng không vững, cơ có hiện tượng bị teo.
- Ảnh hưởng tâm lý, rối loạn giấc ngủ: do các triệu chứng của thoái hóa khớp như đau nhức dai dẳng, vận động khó khăn…
Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp gối
Chúng ta có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp gối, phục hồi chức năng khớp và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ học quá mức lên khớp và cột sống, làm giảm triệu chứng đau thoái hóa khớp gối.
- Duy trì, hoặc làm phục hồi chức năng của các khớp.
- Hạn chế tối đa khuyết tật.
- Tránh các tác dụng độc do dùng thuốc.
Điều trị thoái hóa khớp gối
Điều trị không dùng thuốc
- Có thể dùng nạng khi di chuyển và giảm cân để tránh áp lực đè nặng lên đầu gối
- Các phương pháp vật lý trị liệu rất hữu ích trong điều trị thoái hóa khớp, như điều trị bằng nhiệt nóng, bức xạ hồng ngoại, sóng điện từ trường cao tần (sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng), tắm bùn khoáng, nước khoáng nóng… có tác dụng giảm đau, duy trì dinh dưỡng mô mềm cạnh khớp, điều chỉnh tư thế.
- Các bài tập thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga… chỉ nên thực hiện khi chưa có tổn thương khớp gối được chẩn đoán bằng chụp X-quang.
- Các biện pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp giảm đau, phục hồi chức năng khớp.
- Có thể sử dụng các biện pháp không dùng thuốc đơn độc với các trường hợp thoái hóa khớp nhẹ, nhưng phối hợp cả dùng thuốc và không dùng thuốc thường mang lại kết quả tốt hơn.
Thuốc kháng viêm, giảm đau
Nhóm thuốc thường dùng là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như acetaminophen, glucocorticoids và opioid. Lưu ý, các loại thuốc này trước khi sử dụng cần được theo dõi chặt chẽ và có sự chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao và tránh các tác dụng không mong muốn.
Tiêm nội khớp
Thuốc tiêm trực tiếp vào khớp gối bao gồm corticosteroid và axit hyaluronic. Tuy nhiên, theo các khuyến cáo hiện nay của các hiệp hội Cơ Xương Khớp lớn trên thế giới, hyaluronic acid không còn được đánh giá hiệu quả cao trong việc điều trị thoái hóa khớp gối.
Cấy ghép tế bào gốc
Đây là một phương pháp mới trong điều trị nhằm tái tạo lại các tế bào khớp gối bị tổn thương.
Phương pháp phẫu thuật
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng biện pháp phẫu thuật bao gồm:
- Điều trị dưới nội soi khớp: Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị nội soi và các công cụ nhỏ để loại bỏ các tế bào tổn thương trong khớp gối mà không cần phẫu thuật mở.
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Ghép sụn, thay thế một phần đầu gối, thay toàn bộ đầu gối, phẫu thuật cắt xương đầu gối. Thường được áp dụng với bệnh nhân thoái hóa khớp gối mức độ nặng.
Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Sau đây là một số biện pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Sinh hoạt, làm việc, tập luyện với cường độ phù hợp, tránh gắng sức.
- Tập thể dục thường xuyên nhằm tăng cường độ dẻo dai, tính linh hoạt và sức mạnh các khớp, ưu tiên các bài tập nhằm tăng cường sức mạnh của cơ tứ đầu đùi.
- Ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ nâng cao sức đề kháng.