Người bệnh thoát vị đĩa đệm cần biết nên ăn gì và kiêng gì để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, nhằm đảm bảo quá trình điều trị và phục hồi diễn ra hiệu quả. Ngoài ra, tuân thủ chế độ ăn đúng giúp ngăn chặn tình trạng bệnh tiến triển trở nên nghiêm trọng hơn.
Người thoát vị đĩa đệm nên ăn gì?
Dưới đây là một số thực phẩm có lợi cho chứng thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân nên cân nhắc trong thực đơn hàng ngày: [1]
Thực phẩm giàu Canxi
Canxi đứng đầu trong danh sách các dưỡng chất không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày, đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi thoát vị đĩa đệm. Canxi dễ dàng tìm thấy trong sữa, các sản phẩm từ sữa (như sữa chua, phô mai…), các loại đậu, rau xanh, hạt hạnh nhân, quả cam, cá mòi, cá hồi… Bệnh nhân cần kết hợp cân bằng với một số nhóm chất khác để đạt được hiệu quả tối đa.
Canxi đứng đầu trong các dưỡng chất không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày
Vitamin D
Vitamin D hỗ trợ cơ thể hấp thụ Canxi tối đa, ngăn chặn tình trạng xương yếu, giòn. Vitamin D là chất hòa tan trong chất béo, cần được bổ sung đủ trong chế độ ăn hàng ngày của người mắc thoát vị đĩa đệm. Nguồn Vitamin D có thể được tìm thấy trong cá hồi, cá mòi, cá đỏ, thịt, trứng, sữa và nấm (nguồn cung cấp Vitamin D duy nhất từ thực vật).
Tuy nhiên, nguồn dưỡng chất này không thể được tổng hợp đầy đủ chỉ thông qua thực phẩm. Bệnh nhân nên tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời buổi sáng, đặc biệt là vào mùa đông để đảm bảo hấp thụ Vitamin D tối đa.
Vitamin D hỗ trợ cơ thể hấp thụ Canxi tối đa
Vitamin K
Dưỡng chất này thực hiện chức năng phân phối Canxi trong cơ thể. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên ăn nhiều rau bina, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, sữa… để bổ sung đủ Vitamin K mỗi ngày.
Vitamin B12
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tế bào xương, tế bào hồng cầu bên trong xương, tủy xương. Thiếu dưỡng chất này sẽ làm cho quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm bị ức chế, đồng thời liên quan trực tiếp đến bệnh loãng xương.
Để đảm bảo bổ sung đủ Vitamin B12, thực đơn hàng ngày nên bao gồm: sữa, trứng và thịt. Tuy nhiên, Vitamin B12 chỉ tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, với những người ăn chay, có thể sử dụng các chất bổ sung để thay thế.
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng
Glucosamine và Chondroitin
Axit amin đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành sụn và các mô liên kết, với Glucosamine và Chondroitin là hai thành phần quan trọng nhất. Bệnh nhân có thể bổ sung thông qua một số loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, thịt cừu, cá, sữa, đậu phộng, quả hạnh nhân, trứng, bắp cải, đậu nành và các loại rau lá xanh…[2]
Protein thực vật
Protein thực vật đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn so với protein động vật. Đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng, tốt cho xương khớp, cột sống, hạn chế viêm nhiễm và không làm trầm trọng thêm tình trạng thoát vị đĩa đệm.
Bệnh nhân có thể cân nhắc thêm đậu Hà Lan, đậu lăng, hạt chia, nấm và các nguồn protein thực vật khác vào bữa ăn hàng ngày để đảm bảo bổ sung đủ lượng Protein cần thiết.
Protein thực vật mang lại nhiều lợi ích sức khỏe
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh đậm là nguồn Canxi dồi dào, có lợi cho quá trình điều trị và phục hồi thoát vị đĩa đệm. Chẳng hạn, cải xoăn, cải xanh, cải xoong… đặc biệt tốt cho sức khỏe xương và cột sống. Đồng thời, nhóm thực phẩm này còn chứa lượng lớn Vitamin K2, giúp duy trì khoáng chất trong xương bằng cách vận chuyển Canxi từ mô đến xương…
Các loại rau lá xanh đậm là nguồn Canxi dồi dào
Cá hồi
Bệnh nhân nên thêm cá hồi vào thực đơn hàng ngày nếu đang phân vân về việc ăn gì để hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm. Cá hồi rất giàu axit béo Omega-3, giúp giảm viêm, cung cấp khả năng tái tạo đĩa đệm và cải thiện triệu chứng đau lưng một cách đáng kể…
Sữa và các sản phẩm làm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa chứa lượng lớn Canxi và khoáng chất, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xương, cả về kích thước, khối lượng, chiều dài và sức mạnh. Đặc biệt, người bệnh nên ưu tiên dùng sữa chua, phô mai vì chúng chứa đến 42% Canxi cần thiết cho khẩu phần ăn hàng ngày…
Trái cây tươi
Trái cây tươi, đặc biệt là các loại quả mọng, chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, trực tiếp tham gia vào quá trình chữa lành vết thương.
Ngoài ra, hàm lượng Vitamin C trong cam, quýt, bưởi còn thúc đẩy sản xuất collagen cho đĩa đệm cột sống, tăng cường sức mạnh cho xương và chống nhiễm trùng hiệu quả. Qua đó, hệ thống miễn dịch cũng được củng cố, làm giảm chứng đau lưng đồng thời đảm bảo quá trình phục hồi cột sống không bị gián đoạn.
Trái cây tươi chứa rất nhiều chất chống oxy hóa
Nghệ
Nghệ có đặc tính kháng viêm, hỗ trợ giảm đau lưng và viêm khớp một cách hiệu quả. Thành phần curcumin là chất chống oxy hóa mạnh, mang đến nhiều lợi ích đối với chứng thoát vị đĩa đệm. Người bệnh có thể sử dụng thực phẩm này dưới nhiều hình thức khác nhau: gia vị, dạng tinh bột, viên…
Nghệ có đặc tính kháng viêm
Quả bơ
Nguồn Kali và chất béo lành mạnh bên trong quả bơ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và làm giảm cholesterol một cách đáng kể. Hàm lượng Vitamin C mang đến nhiều lợi ích tích cực cho cột sống. Bơ cũng chứa Vitamin D, góp phần chữa lành vết thương do thoát vị đĩa đệm. Vậy nên, đây chính là thực phẩm cần thiết mà người bệnh nên thêm vào bữa ăn hàng ngày. [3]
Nguồn Kali và chất béo lành mạnh bên trong quả bơ
Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cần hạn chế ăn gì?
Ngoài việc tập trung vào các thực phẩm có lợi, người thoát vị đĩa đệm cũng cần hiểu rõ những thực phẩm nào nên tránh để có một thực đơn hợp lý. Dưới đây là những loại thực phẩm cần hạn chế:
Carbohydrate tinh chế
Nhóm thực phẩm chứa Carbohydrate tinh chế như bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên, bánh mì trắng, mì ống… không chứa nhiều chất dinh dưỡng và có thể gây hại cho cơ thể, cụ thể như sau:
- Gây viêm trầm trọng chứng thoát vị đĩa đệm.
- Chứa nhiều calo, dẫn đến tình trạng béo phì, từ đó tăng áp lực lên hệ xương khớp, làm khó khăn quá trình phục hồi.
- Chứa hàm lượng lớn các chất bảo quản, chất điều vị, làm cho cơn đau lưng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhóm thực phẩm chứa Carbohydrate tinh chế gây hại cơ thể
Sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa nguyên kem
Nhóm thực phẩm này chứa chất béo bão hòa, có nguy cơ dẫn đến viêm nhiễm. Phản ứng viêm thường xảy ra nghiêm trọng ở những người bệnh cột sống không dung nạp đường sữa. Đây là nguyên nhân làm cho quá trình điều trị và phục hồi thoát vị đĩa đệm bị ức chế, thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn.
Các lưu ý sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm
Hầu hết, cơn đau xuất phát từ thoát vị đĩa đệm thường sẽ có sự cải thiện trong vài ngày và hoàn toàn khỏi sau 4 – 6 tuần. Để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra đúng, người bệnh nên hoạt động nhẹ nhàng, tránh hoạt động cường độ cao, kết hợp chườm nóng/lạnh cùng tuân thủ liều lượng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bài viết liên quan: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu
Nguồn tham khảo:
[1] https://blendofbites.com/foods-healing-herniated-discs/
[2] https://www.csiortho.com/blog/2018/september/7-foods-you-need-to-be-eating-for-spinal-health/
[3] https://cordus.us/foods-to-improve-herniated-discs-2/