Thoái hóa khớp háng là một trong những hệ lụy của tuổi già và đang có xu hướng trẻ hóa, ảnh hưởng đến bất kỳ khớp lớn, nhỏ nào trong cơ thể và được xếp vào nhóm bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân là do bệnh thường tiến triển chậm, khó phát hiện và có thể gây tàn phế nếu bệnh nhân không sớm điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả.
Nếu người bệnh không có biện pháp can thiệp, kiểm soát tốt ngay từ đầu, thoái hóa có thể gây biến dạng cấu trúc khớp háng dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Vậy có những phương pháp nào để điều trị thoái hóa khớp háng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của TRAULEN nhé.
Thoái hóa khớp háng là gì?
Thoái hóa khớp háng là một bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở người cao tuổi, xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn gây nên những cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.

Triệu chứng đau và cứng cơ do thoái hóa khớp háng sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian
Đối tượng dễ bị thoái khớp háng
Khớp háng bị thoái hóa có khả năng xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng thường gặp ở những đối tượng như:
- Người cao tuổi
- Người có tiền sử bị tai nạn, chấn thương ở khu vực khớp háng
- Người có bệnh sử viêm khớp háng
- Phụ nữ, đặc biệt là trong và sau giai đoạn mang thai, sinh nở
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng
Bên cạnh yếu tố lão hóa, nguyên nhân khớp háng bị thoái hóa còn có thể liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như:
- Cấu tạo khớp háng dị dạng bẩm sinh có nguy cơ cao gây nên các vấn đề như loạn sản, trật khớp và thậm chí là tình trạng thoái hóa ở khớp háng.
- Gãy xương hông, rách sụn chêm hoặc bất kỳ chấn thương nào khác tại khu vực này cũng đều góp phần khiến khớp háng suy yếu, dễ bị bào mòn
- Tham gia các môn thể thao mang tính đối kháng, va chạm nhiều (bóng đá, bóng rổ…)
- Thường xuyên phải lao động chân tay, mang vác nặng
- Di truyền cũng ảnh hưởng đến quá trình bệnh
- Thừa cân có thể không phải là yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhưng lại góp phần thúc đẩy quá trình tiến triển của bệnh.
- Nhẹ cân khi sinh hoặc sinh non có thể liên quan đến một số dị tật nhỏ ở cấu trúc khớp háng góp phần thúc đẩy quá trình thoái hóa phát sinh.
Triệu chứng của thoái hóa khớp háng
Hầu hết bệnh nhân thoái hóa khớp đều có triệu chứng đau nhức. Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh mà tính chất cơn đau có thể thay đổi, ví dụ như:
- Giai đoạn sớm: cơn đau chủ yếu tập trung ở vùng bẹn, có thể lan xuống mông, đùi hoặc thậm chí là khớp gối, đồng thời đau tăng khi người bệnh cử động hoặc đứng lâu.
- Giai đoạn sau: đau dữ dội vào sáng sớm và thường xảy ra khi bệnh nhân đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc khi di chuyển, đồng thời có xu hướng đau mỏi về chiều tối.
- Giai đoạn muộn: đau nhiều về đêm (ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi) và thời điểm giao mùa.
Tuy các cơn đau nhức có xu hướng thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi, nhưng chúng lại trở nên dữ dội hơn khi thời gian nghỉ ngơi kéo dài.
Bên cạnh đó, bệnh thoái hóa khớp háng còn kéo theo một số dấu hiệu, biểu hiện khác như:
- Cứng khớp: thường diễn ra vào sáng sớm hoặc ngồi quá lâu, có thể kèm theo giảm biên độ vận động của khớp
- Khô khớp: có âm thanh lạo xạo, lục cục phát ra khi cử động khớp
- Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày: gần như không thể thực hiện những động tác đơn giản như đi lại, cúi người, bước vào xe ô tô…
Điều trị thoái hóa khớp háng
Điều trị không dùng thuốc
Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp háng là giảm đau, duy trì sự linh hoạt, dẻo dai của khớp, tối ưu hóa khớp và chức năng tổng thể.
Các phương pháp điều trị cơ bản bao gồm giảm cân, vật lý trị liệu phục hồi chức năng; thiết bị hỗ trợ; tập thể dục tăng cường sức mạnh, linh hoạt, và độ bền; điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Vật lý trị liệu là chìa khóa để kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp háng
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương án cuối cùng người bệnh có thể lựa chọn nếu không đáp ứng tốt với các phác đồ điều trị trước đó hoặc khả năng vận động bị suy giảm đáng kể.
Các loại phẫu thuật thường được áp dụng để chữa thoái hóa khớp háng bao gồm:
- Cắt bỏ gai xương: Nhằm hạn chế rủi ro biến dạng khớp hoặc chèn ép mạch máu và dây thần kinh.
- Thay khớp háng bán phần: Thường dành cho trường hợp lớp sụn khớp ở chỏm xương đùi chỉ bị bào mòn một phần.
- Thay khớp háng toàn phần: Bằng cách ghép khớp nhân tạo có chức năng tương tự khớp tự nhiên vào cơ thể, thường được chỉ định trong trường hợp người mắc bệnh trên 60 tuổi hoặc bệnh tiến triển tiêu cực, đi kèm với các triệu chứng có xu hướng ngày càng tệ hơn.
Sử dụng thuốc kê toa và không kê toa
Thuốc giảm đau là lựa chọn chữa trị đầu tay của không ít bệnh nhân khi phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng, khó chịu liên quan đến thoái hóa khớp.
- Với những trường hợp nhẹ
Người bệnh có thể chọn dùng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như ibuprofen, naproxen… Tuy nhiên, đôi khi những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày, tim mạch và thận nên cần đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Nhóm thuốc giảm đau sẽ giúp làm giảm triệu chứng đau do thoái hóa khớp háng
- Với các trường hợp thoái hóa nặng
Bệnh nhân sẽ cần dùng đến các loại thuốc kê toa như duloxetine hoặc tramadol. Tramadol là một trong số ít thuốc giảm đau opioid được kê đơn do những loại khác trong nhóm thuốc này có tính gây nghiện cao.
Ngoài ra, đôi khi bác sĩ cũng sẽ chỉ định tiêm steroid cho bệnh nhân để giảm sưng đau. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời do thuốc có thể kéo theo một số tác động tiêu cực đối với cơ thể nếu được sử dụng lâu dài.