Viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa là 2 căn bệnh riêng biệt nhưng có triệu chứng tương tự nhau khiến nhiều người nhầm lẫn dẫn. Nhiều bệnh nhân tìm đến bác sĩ vì đau vùng lưng dưới, họ nghĩ là đau thần kinh tọa nhưng được chẩn đoán là viêm khớp cùng chậu.
Do đó, các bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của TRAULEN để phân biệt giữa viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa để xây dựng phương pháp điều trị, luyện tập phù hợp nhất nhé!
Biểu hiện của viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa như thế nào?
Hai khớp cùng chậu nằm ở phía sau, giữa hai mông, nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phía sau của hai xương cánh chậu. Khi bị viêm khớp cùng chậu, bệnh nhân bị đau ở vùng cột sống thắt lưng, giữa hai mông, vùng chậu hông kèm theo teo cơ mông. Vì vậy, bệnh dễ bị nhầm với đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc đau thần kinh tọa.
Đối với bệnh nhân đau dây thần kinh tọa, họ đau do thần kinh tọa bị chèn ép ngay cột sống hoặc ngay đường đi của thần kinh tọa dẫn đến đau ở một chân và đau từ vùng lưng lan xuống vùng mông và lan xuống vùng mặt sau của đùi, rồi tới đầu gối và bàn chân.

Viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa là 2 bệnh xương khớp có biểu hiện khá tương tự nhau
Còn đối với bệnh nhân viêm khớp cùng chậu thường là đau 2 bên, cũng có trường hợp bệnh nhân đau 1 bên do viêm khớp cùng chậu 1 bên nhưng tỷ lệ thấp hơn.
Ngoài ra, đau do viêm thần kinh tọa thường sẽ đau liên tục, khi thay đổi tư thế thì đau tăng. Đau do viêm khớp cùng chậu, do khớp cùng chậu là vị trí nối giữa xương sống và xương chậu nên sẽ đau tăng lên khi bệnh nhân có cử động, bệnh nhân càng vận động nhiều càng đau tăng nhiều hơn.
>>> Xem thêm: Viêm khớp cùng chậu ở nam giới: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Điều trị viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa như thế nào?
Tùy theo mức độ, nguyên nhân và tính chất của bệnh lý sẽ có hướng điều trị khác nhau.
Đối với viêm khớp cùng chậu vô khuẩn chỉ lan đến đùi, không lan xuống vùng cẳng bàn chân thì chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng viêm loại rất mạnh trong thời gian đầu để chống viêm nhiễm.
Trường hợp tình trạng biến chứng viêm mủ nặng, tụ dịch nhiều thì bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn và có thể tiêm một mũi thuốc chống viêm vào vùng viêm khớp cùng chậu để giúp bệnh nhân giảm đau nhanh.

Đa phần viêm khớp cùng chậu không cần phải phẫu thuật
Đối với điều trị đau dây thần kinh tọa, nếu nguyên nhân là do thoát vị đĩa đệm, tức là khối thoát vị chèn vào thần kinh tọa thì phải giải quyết cái gốc trước, một là mổ, hai là cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu để khối thoát vị không còn đè vào thần kinh tọa nữa thì bệnh nhân sẽ hết đau, tê. Còn đa phần bệnh nhân đau là do trên đường đi của thần kinh tọa bị viêm, chèn ép thì chỉ cần sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau là đủ.
Đau thần kinh toạ không nên tự ý điều trị tại nhà mà hãy đến bác sĩ kiểm tra và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp
Bị viêm khớp cùng chậu nhưng điều trị đau dây thần kinh tọa thì có gây hại không?
Đa phần, khi bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thì điều trị vẫn giảm đau, nhức nhưng sẽ tái phát rất nhanh. Khi bệnh nhân ngưng thuốc sẽ lập tức sẽ bị đau lại, khi đó bệnh nhân phải sử dụng lại thuốc giống như cách điều trị của viêm thần kinh tọa ngay từ đầu. Việc điều trị lẩn quẩn như vậy sẽ ảnh hưởng đến những cơ quan khác bao gồm gan, thận do sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.