Bị đau dưới hoặc gần xương bả vai – xương hình tam giác tạo thành phía sau vai – có thể hạn chế cử động của cánh tay và cản trở các hoạt động hàng ngày. Cơn đau này có thể dao động từ đau nhói hoặc nóng rát vùng giữa cột sống và bả vai, đến đau nhức hoặc đau khắp vai hoặc lưng trên. Theo Bác sĩ Grant Cooper Giám đốc Trung tâm Khớp và Cột sống Princeton (Mỹ), dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra cơn đau này.
1. Tư thế xấu
Ngồi lâu với tư thế sai có thể khiến cột sống của bạn trải qua những thay đổi về cấu trúc, cuối cùng gây đau bên dưới xương bả vai. Khom lưng, nghiêng đầu hoặc ngồi lệch sang một bên có thể làm suy yếu cơ bắp của bạn và gây áp lực lên đĩa đệm cột sống, cơ và dây chằng. Sự mất cân bằng thường xuyên này có thể góp phần gây r a chứng đau lưng trên.
Ngồi lâu với tư thế sai có thể khiến cột sống của bạn trải qua những thay đổi về cấu trúc
2. Kỹ thuật nâng không đúng
Nâng tạ, hoặc vật nặng qua đầu mà không có kỹ thuật phù hợp có thể khiến lưng trên và vai của bạn dễ bị chấn thương. Nếu bạn nâng một vật quá nặng hoặc nếu vật đó bị giữ cách xa cơ thể với cột sống bị lệch, bạn có thể gây áp lực quá mức lên lưng trên. Nâng vật quá nặng trên cao có thể làm căng cơ hoặc bong gân dây chằng hoặc có thể làm tổn thương khớp vai hoặc cột sống, dẫn đến đau dưới hoặc gần xương bả vai.
3. Lưng và vai hoạt động quá mức
Sơn trần nhà, giúp bạn bè di chuyển đồ đạc hoặc quá tích cực chơi các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, … là những ví dụ về các hoạt động có thể khiến lưng và vai của bạn phải làm việc nhiều hơn trước đây. Việc sử dụng quá mức có thể dẫn đến căng cơ và bong gân dây chằng, có thể gây đau ở lưng trên, đau vị trí giữa bả vai và cột sống. Một hậu quả khác là viêm bao hoạt dịch xương bả vai, còn gọi là hội chứng gãy xương bả vai, trong đó bao hoạt dịch giữa xương bả vai và cột sống ngực bị viêm và đau do sử dụng quá mức hoặc chấn thương.
4. Thoát vị đĩa đệm cổ
Thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ xảy ra khi lớp ngoài của đĩa đệm bị rách và lớp bên trong (nhân nhầy) bắt đầu rò rỉ ra ngoài. Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau và có thể làm viêm rễ thần kinh gần đó, khiến cơn đau lan xuống vai, cánh tay hoặc bàn tay. Thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ dưới có nhiều khả năng gây đau vào hoặc gần khu vực xương bả vai. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng thoát vị đĩa đệm ở cột sống ngực (phần lưng trên) cũng có thể gây đau gần xương bả vai.
Thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ xảy ra khi lớp ngoài của đĩa đệm bị rách
5. Trật xương sườn
Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng xương sườn có thể bật ra khỏi vị trí hoặc bị lệch sau khi bị kéo căng lặp đi lặp lại hoặc với tay lấy một vật trên đầu. Cơn đau nhói gần xương bả vai của bạn có thể xảy ra do hoạt động này và đôi khi có thể gây khó thở sâu.
Cơn đau nhói gần xương bả vai của bạn có thể xảy ra
6. Tình trạng tim
Một số bệnh về tim có thể biểu hiện dưới dạng đau ở vùng xương bả vai. Ví dụ, bóc tách động mạch chủ là một tình trạng nghiêm trọng, bệnh lý này có thể đe dọa tính mạng và nó xảy ra khi động mạch lớn nhất của tim bị rách và có thể gây đau dữ dội, có thể di chuyển xuống dưới hoặc gần xương bả vai trái. Cơn đau tim cũng có thể xuất hiện dưới dạng cảm giác đau ở lưng trên hoặc vai, đặc biệt ở phụ nữ.
7. Gãy xương do nén
Gãy xương do nén là khi xương đốt sống (thường ở lưng trên) yếu đi và bị nén lại, gây đau lưng và cảm thấy dễ chịu hơn khi nghỉ ngơi hoặc nhạy cảm khi chạm vào. Gãy xương do nén thường gặp nhất do loãng xương ở người lớn tuổi.
Đây là một số dẫn chứng về các lý do có thể gây ra cơn đau dưới xương bả vai. Dù có thể chưa đầy đủ nhưng hi vọng nó sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe. Và hãy nhớ khuyến cáo của Bác sĩ Grant Cooper “Bất kỳ cơn đau lưng hoặc vai nào kéo dài vài tuần hoặc ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày đều phải cần có sự thăm khám của bác sĩ. Và khi cơn đau nghiêm trọng hoặc kèm theo các triệu chứng báo động khác – chẳng hạn như nhức đầu, ngứa ran, suy nhược hoặc buồn nôn – hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức”.
Xem thêm: Bị đau khớp khi tập tạ báo hiệu điều gì?