Chấn thương cổ là gì?
Chấn thương cổ là những chấn thương xảy ra ở vùng cổ, ngã tư giải phẫu quan trọng của cơ thể gồm cột sống cổ, tủy sống, dây thần kinh, đĩa đệm, cơ, dây chằng, gân. Hơn thế, đây còn là vị trí của khí quản, thực quản, các mạch máu. Khi chấn thương xảy ra, bất kì mô hoặc cơ quan nào ở cổ cũng có khả năng bị ảnh hưởng.
Chấn thương ở vùng cổ có thể xảy ra với tất cả mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ tới người già. Thực tế, đây là loại chấn thương cột sống phổ biến, nhất là tổn thương dây chằng vùng cổ. Khi bị chấn thương, người bệnh có thể đối mặt với hàng loạt những triệu chứng từ khó chịu ở cổ tới tê liệt, đau đớn, thậm chỉ là tử vong do gãy đốt sống cổ, chấn thương tủy sống…
Bên cạnh đó, chấn thương ở cổ thường liên quan tới chấn thương đầu. Phần lớn nguyên nhân đến từ tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, tai nạn rơi từ trên cao, tai nạn dưới nước hay do bị tấn công bạo lực ở vùng cổ…

Các triệu chứng của chấn thương cổ có thể rất khác nhau tùy theo bản chất và mức độ nghiêm trọng của chấn thương
Chấn thương vùng cổ có một số biểu hiện phổ biến sau:
- Chảy máu cổ, một số trường hợp còn chảy máu ở những khu vực khác của cơ thể
- Đau cổ, không thể chuyển động cổ mạnh.
- Chóng mặt, mệt mỏi.
- Khó tập trung, đau đầu.
- Cổ bầm tím.
- Đau, ngứa ran và cảm thấy yếu cơ vùng cổ lan xuống vai hoặc cánh tay.
- Rối loạn giấc ngủ
- Một số bệnh nhân có thể bị đau họng.
Nguyên nhân gây chấn thương cổ
Nguyên nhân thường gặp gây chấn thương cổ là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc bị thương do ngã, chấn thương khi tập thể dục thể thao hoặc do bị ngược đãi về thể chất.
Những yếu tố sau có thể gia tăng nguy cơ mắc chấn thương ở cổ, cụ thể:
- Tuổi tác: Người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ chấn thương cao
- Đã từng bị té ngã ở độ cao khoảng 1m hay 5 bậc cầu thang
- Đã từng va chạm, trải qua tai nạn giao thông
- Trì hoãn điều trị ngay khi bị chấn thương
>>> Xem thêm: Đau nhức cổ khi ngủ dây: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Các loại chấn thương cổ nguy hiểm và phổ biến nhất
Căng cơ cổ
Bất kỳ hoạt động nào duy trì cổ ở tư thế không thoải mái trong thời gian dài đều có thể dẫn đến mỏi, co thắt và căng cơ cổ khiến người bệnh gặp khó khăn khi xoay nghiêng cổ và kèm theo đau nhức đầu.
Cơn đau căng cơ cổ có thể nghiêm trọng hơn khi người bệnh không vận động cổ và đầu trong thời gian dài, một số người còn bị đau nhức đầu, rất khó chịu.
Tổn thương dây chằng vùng cổ
Cột sống cổ gồm 7 đốt sống nối với nhau bằng dây chằng và cơ. Khi đột ngột thay đổi chuyển động, cổ có thể bị uốn cong quá mức, làm giãn rách mô, tổn thương dây chằng hoặc cơ.
Thoát vị đĩa đệm cổ
Cột sống cổ là khu vực thường xuyên vận động và chịu áp lực lớn nên các đĩa đệm dễ bị tổn thương, thoát vị. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm ở giữa các đốt sống cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép tủy sống và dây thần kinh trong ống sống, dẫn tới đau nhức cổ vai gáy và rối loạn cảm giác tại chỗ.

Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa
Chèn ép dây thần kinh
Dưới tác động của một số yếu tố, các dây thần kinh cổ bị chèn ép, gây nhức mỏi, tê bì, đau âm ỉ và ngứa ran ở vùng cổ vai gáy. Cơn đau có thể lan xuống vai, bả vai, cánh tay hoặc ngón tay theo đường đi của rễ dây thần kinh. Chèn ép dây thần kinh khiến sinh hoạt, làm việc và cử động của người bệnh kém linh hoạt hơn, suy giảm khả năng vận động so với trước đây.
Gãy xương sống cổ
Gãy xương cổ (gãy xương đốt sống cổ) xảy ra khi có một lực đáng kể như tai nạn trong giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc chấn thương thể thao đối kháng mạnh… tác động vào cổ, làm nứt vỡ bất kỳ một trong bảy đốt sống ở vùng cổ.
Người bệnh đau dữ dội tại thời điểm chấn thương và cơn đau có thể lan từ cổ đến vai hoặc cánh tay do đốt sống chèn ép các dây thần kinh. Người bệnh cũng có thể bị thâm tím hoặc sưng ở mặt sau cổ.
Cách phòng ngừa và điều trị chấn thương cổ
Thông thường, chấn thương cổ sẽ tự khỏi khi người bệnh áp dụng đúng cách các biện pháp chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn một tuần và có dấu hiệu tăng dần, bạn nên nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế uy tín để có biện pháp xử trí kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị chấn thương cổ có thể bao gồm các phương pháp như:
- Chườm đá, nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau không kê đơn
- Vật lý trị liệu gồm các bài tập giãn cơ vùng cổ và những vùng bị ảnh hưởng khác
- Dùng thuốc chống viêm không steroid hoặc các loại thuốc theo toa khác theo chỉ định từ bác sĩ
- Các biện pháp chăm sóc thần kinh cột sống: Liệu pháp xoa bóp hoặc châm cứu
- Tiêm steroid ngoài màng cứng có thể giúp giảm đau trong 3 – 4 tháng
- Phong bế thần kinh: Tiêm thuốc giảm đau cục bộ để kiểm soát cơn đau cấp tính
- Đốt sóng cao tần: Thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm tiêu hủy các dây thần kinh ở cổ mang tín hiệu đau
- Kích thích tủy sống bao gồm các thiết bị cấy ghép vào cột sống phát ra các xung điện nhẹ để ngăn chặn sự lan truyền của cơn đau.
- Phẫu thuật: Hiếm trường hợp chấn thương cổ cần tới phẫu thuật. Tuy nhiên, khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật.