Thống kê của FDA cho thấy, khoảng 1/3 người sử dụng NSAIDs bị đau dạ dày, 1/10 người sử dụng NSAIDs bị loét dạ dày, 1/100 người sử dụng NSAIDs bị chảy máu dạ dày. Con số này cho thấy tác dụng phụ đáng lưu ý của NSAIDs đối với dạ dày
Về vấn đề này, BS.CKII Huỳnh Phan Phúc Linh (Phó Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh Viện Chợ Rẫy) đã có chia sẻ như sau:
“Khi điều trị bệnh cơ xương khớp, bệnh nhân được chỉ định nhiều nhất vẫn là thuốc kháng viêm non-steroid, tác dụng phụ của loại thuốc này ảnh hưởng đến dạ dày, tim mạch và cả những cơ quan khác trong cơ thể nếu người bệnh sử dụng không đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ.”
Phúc Linh nói thêm: “Cách tốt nhất để dùng thuốc giảm đau, kháng viêm an toàn cho dạ dày là bệnh nhân nên chia sẻ hết những vấn đề sức khỏe của cơ thể để bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra phác đồ điều trị bệnh cơ xương khớp phù hợp cho bệnh nhân như: liều dùng và thời gian sử dụng thuốc giúp đạt được hiệu quả chữa trị tốt nhất. Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không mang lại kết quả thì cần có cách điều trị khác.”
Chủ quan – Sai lầm thường gặp của bệnh nhân cơ xương khớp khi điều trị tại nhà
BS.Phúc Linh chia sẻ: “Lơ là, chủ quan chính là sai lầm thường gặp của bệnh nhân khi mắc bệnh hội chứng ống cổ tay.”
Có nhiều bệnh nhân khi thăm khám đã chia sẻ với bác sĩ rằng khi chạy xe thì bị tê tay nhưng các hoạt động thường ngày thì tay lại bình thường. Vì vậy, người bệnh chủ quan, lơ là với bệnh để cho triệu chứng tê tay tự hết mà không thăm khám hay điều trị. Tuy nhiên, đây chính là bệnh ở giai đoạn sớm, người bệnh cần được thăm khám bác sĩ để nhận biết chính xác mức độ của bệnh.
Nhìn chung, bệnh nhân phải là người quan sát được tình trạng sức khoẻ của mình. Khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh thì nên tìm đến sự thăm khám của bác sĩ chứ không nên chủ quan nghĩ bệnh sẽ tự khỏi.