Viêm khớp phản ứng hay viêm khớp vô khuẩn là tình trạng viêm khớp xuất hiện thứ phát sau một nhiễm khuẩn ngoài khớp như hệ tiết niệu, sinh dục hoặc tiêu hóa. Bệnh mang tính hệ thống vì tổn thương xảy ra ở một số cơ quan ngoài khớp như kết mạc, đại tràng, niệu đạo hoặc cầu thận.
Triệu chứng viêm của bệnh nhân có thể đến từ một hay nhiều khớp nhưng thường gặp ở các khớp lớn ở hai chi dưới, cột sống, khớp cùng chậu. Bệnh thường xảy ra ở đối tượng 20-40 tuổi, viêm khớp phản ứng ở trẻ em và người cao tuổi thường hiếm gặp và đa số gặp ở nam.
Bệnh viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng được đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp vô khuẩn tiếp theo sau tình trạng nhiễm trùng, thường là nhiễm trùng đường tiết niệu – sinh dục hoặc đường tiêu hoá.
Biểu hiện viêm có thể từ một đến vài khớp, thường gặp ở các khớp lớn hai chi dưới, cột sống, khớp cùng chậu, viêm các điểm bán gân, viêm dây chằng. Đây là hậu quả của quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng.
Triệu chứng viêm khớp xảy ra sau nhiễm trùng có thể sau một vài tuần, một vài tháng, hoặc thậm chí một vài năm. Bệnh viêm khớp phản ứng thường không gây hậu quả quá nghiêm trọng, do vậy người bệnh thường hay chủ quan và bỏ qua các triệu chứng của bệnh. Việc này dẫn đến tình trạng bệnh không được chữa khỏi và diễn biến dai dẳng, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm khuẩn trong cộng đồng
Nguyên nhân của viêm khớp phản ứng
Bệnh viêm khớp phản ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có vai trò của kháng nguyên HLA – B27.
Có đến 30% – 60% bệnh nhân viêm khớp phản ứng có kháng nguyên HLA- B27, biểu hiện bệnh thường nặng hơn và có xu hướng chuyển thành mạn tính cao hơn ở những người có HLA – B27 (+).
Một vài loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng, nhất là các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu – sinh dục hoặc đường tiêu hoá, có khoảng 20% các trường hợp viêm khớp phản ứng không tìm thấy nguyên nhân.
– Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Thường do Salmonella, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia…
– Nhiễm trùng đường tiết niệu
– Sinh dục: Thường do Chlamydia Trachomatis
– Một vài trường hợp viêm khớp phản ứng thấy ở bệnh nhân bị lao hệ thống
– Virus cũng được cho là nguyên nhân của viêm khớp phản ứng như: Rubella, virus viêm gan, Parvovirus, HIV…
Một vài trường hợp viêm khớp phản ứng có thể gặp theo sau các tình trạng viêm đường ruột mãn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng….
Triệu chứng bệnh Viêm khớp phản ứng
Bệnh viêm khớp phản ứng có các dấu hiệu, triệu chứng thường bắt đầu từ 1-3 tuần sau khi cơ thể bị nhiễm trùng với các triệu chứng như sau:
Đau và cứng khớp: các hiện tượng đau khớp liên quan với viêm khớp thường xảy ra nhất ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, cũng có thể bị đau ở gót chân, lưng hoặc mông.
Nhiều trường hợp bị mắc bệnh viêm khớp phản ứng cũng có thể bị viêm mắt, đỏ, ngứa và nóng mắt.
Bệnh nhân bị viêm khớp phản ứng có thể bị tăng tần suất và có cảm giác khó chịu khi đi tiểu với các biểu hiện nóng bức, cảm giác châm chích khi tiểu tiện, tiểu mủ vô khuẩn ở bệnh nhân nam (dương vật chảy ra chất không phải nước tiểu và không chứa vi khuẩn). Các biểu hiện viêm đường tiết niệu.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị sưng phồng ngón chân hoặc ngón tay.
Ngoài ra, có thể có các triệu chứng khác như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, cứng khớp , đau gót chân, đau thắt lưng, lở miệng và lưỡi nhưng không đau, nổi mụn nhọt ở đầu dương vật và phát ban ở lòng bàn chân.
Bệnh viêm khớp phản ứng ở trẻ em với biểu hiện sau khi trẻ chạy nhảy, vận động nhiều bị mỏi, vận động, di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm khớp phản ứng
Những người có nguy cơ cao bị bệnh viêm khớp phản ứng là nam giới, trong độ tuổi từ 20-40 tuổi.
Để có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh viêm khớp phản ứng như:
Tuổi tác: bệnh viêm khớp phản ứng xảy ra thường xuyên nhất ở những người 20-40 tuổi;
Giới tính: nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới;
Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người nhà, đặc biệt là cha mẹ bị viêm khớp phản ứng, bạn cũng có khả năng cao mắc phải hội chứng này;
Những người có kháng nguyên bạch cầu HLA-B27 sẽ có nguy cơ mắc viêm khớp phản ứng cao hơn, nhưng nếu bạn không có kháng nguyên này không có nghĩa là bạn sẽ không mắc bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm khớp phản ứng
Để điều trị bệnh viêm khớp phản ứng có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh
Tập thể dục và vật lý trị liệu
Các loại kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm trùng, thuốc kháng viêm không chứa steroid giúp giảm đau, cứng và sưng khớp.
Trong trường hợp bị viêm khớp mãn tính, có thể cần thêm phương pháp khác để tăng miễn dịch và giảm đau như tiêm cortisone vào khớp.
Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid được chỉ định nếu bạn có triệu chứng nhiễm trùng ở mắt.
Phương pháp vật lý trị liệu và tập thể dục rất quan trọng khi điều trị viêm khớp phản ứng với các bài tập giãn cơ và các bài thể dục thả lỏng khớp và cơ. Bên cạnh đó cũng cần tập đi đứng và ngồi đúng tư thế nhằm giảm đau và giữ cho hoạt động của khớp và xương sống không bị biến dạng.