Bệnh gout (còn gọi là thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến. Người bệnh viêm khớp do gout thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.
Nguyên nhân gây viêm khớp do gout
Nguyên nhân chính gây ra viêm khớp do gout là do tình trạng tăng acid uric máu dẫn đến viêm khớp và đau nhức dữ dội. Một số các nguyên nhân khác như:
Sử dụng nhiều thực phẩm giàu purin: purin sau khi được phân hủy tạo thành acid uric. Khi cơ thể ăn nhiều thực phẩm chứa purin như: thịt đỏ, nội tạng, một số loại đậu, hải sản,… sẽ gây tăng acid uric trong máu.
Sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt, nhiều đường: Các loại đồ uống có cồn và nước ngọt làm tăng chuyển hóa purin, gây tăng acid uric máu.
Giảm đào thải acid uric do giảm chức năng thận: acid uric tan trong nước và được đào thải qua thận. Sau khi sản sinh ra acid uric nhưng thận không đào thải được hoặc đào thải quá ít qua nước tiểu, từ đó làm tăng nồng độ acid uric trong máu.
Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây gây tăng nguy cơ bị viêm khớp do gout :
- Giới tính: chủ yếu gặp ở nam giới. Có thể là do lối sống, chế độ ăn nhiều đạm, sử dụng rượu, bia, thuốc lá,…
- Tuổi: nam giới trong khoảng 30 – 50 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.
- Yếu tố gia đình: thường liên quan đến môi trường sống có chung chế độ ăn và lối sống.
- Béo phì hay thừa cân.
- Bệnh liên quan đến enzyme phân hủy purin.
- Môi trường sống hoặc làm việc phơi nhiễm với chì.
- Tiền sử dùng các loại thuốc lợi tiểu, aspirin, cyclosporin hoặc levodopa, vitamin niacin (PP hay B3).
Triệu chứng bệnh viêm khớp do gout
Tăng acid uric máu không triệu chứng
Giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có nồng độ axit uric trong máu tăng cao.
Thường xuất hiện từ tuổi dậy thì ở năm và sau mãn kinh ở nữ và có thể kéo dài 20-30 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện cơn viêm khớp do gout cấp đầu tiên. Hầu hết những người tăng acid uric máu không triệu chứng và chỉ một tỉ lệ nhỏ tiến triển thành bệnh gout
Giai đoạn cấp tính
Những cơn gout ban đầu thường xuất hiện chủ yếu ở một khớp, số ít là một vài khớp.
Các triệu chứng đầu tiên là các ngón cái sưng đỏ, gây đau nhức và nóng rát. Đau thường đột ngột, ban đầu chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ trong khớp, rồi diễn tiến đến đau dữ dội kèm sưng tấy, nóng, đỏ, xung huyết quanh khớp, đau nhiều về đêm, hạn chế vận động khớp. Viêm khớp gout sẽ tập trung ở các khớp, bao gồm mắt cá nhân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và các khớp nhỏ,…
Cơn đau thường xuất hiện khi:
Xảy ra sau tác động vật lý nào đó.
Thông thường xuất hiện sau khi ăn quá nhiều chất đạm có chứa nhiều purin như: tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi…), các loại thịt có màu đỏ (thịt heo, dê, bê…) hoặc sau những bữa tiệc tùng, ăn nhậu.
Đôi khi cơn viêm khớp do gout cấp có thể xuất hiện sau một đợt điều trị kéo dài một số loại thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc điều trị lao,…
Cơn viêm khớp do gout cấp thường diện tiến nhanh, đạt mức tối đa trong 24-48 giờ, giảm sau vài ngày thường là 2 – 7 ngày rồi tự khỏi.
Trong viêm khớp do gout cấp, có tới gần 40% số trường hợp axit uric trong máu khi xét nghiệm cho kết quả bình thường.
Giai đoạn giữa các cơn cấp
Ở giai đoạn này, bệnh thường không có triệu chứng.
Khoảng cách giữa cơn đầu tiền và các cơn tiếp theo rất khác nhau tùy vào từng bệnh nhân, tuy nhiên, nếu không được điều trị, đa số bệnh nhân sẽ có các cơn gout cá tái diễn trong vòng vài năm, càng về sau, khoảng cách giữa các cơn cấp càng ngắn lại.
Viêm khớp gout mạn
Sau khi bị bệnh khoảng 10 – 20 năm với các đợt gout cấp không được chữa trị, bệnh sẽ tiến triển thành gout mạn tính, xuất hiện những cục u nhỏ gọi là hạt tô phi (tiếng Anh gọi là topus) do sự tích tụ của các tinh thể muối urat kết tủa trong mô liên kết ở nhiều nơi như: vành tai, cạnh các khớp bị tổn thương,…Các hạt tô phi không đau trừ khi viêm, bội nhiễm và lớp dưới da mỏng có thể nhìn thấy cặn trắng.
Người bệnh thường xuất hiện viêm nhiều khớp, kèm biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp.
Bệnh gout mạn tính còn gây ra những biến chứng nguy hiểm làm hẹp khe khớp, tiêu xương, sỏi tiết niệu, suy thận mạn tính. Từ đây nó có thể làm cho người bệnh bị tàn phế suốt đời và nặng hơn là có thể tử vong.
Làm thế nào để giảm đau ở bệnh nhân bị viêm khớp do gout?
Với tình trạng viêm khớp cấp tính của bệnh nhân gout thì mục tiêu điều trị là loại bỏ cơn đau và sưng cấp ở các khớp bị ảnh hưởng. Chính vì vậy các loại thuốc có thể dùng bao gồm:
Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid: Indomethacin, mobic, meloxicam, felden,…;
Thuốc colchicine: Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc không steroid thì có thể dùng colchicine thay thế. Mặc dù đây không phải là thuốc giảm đau nhưng được phân loại là thuốc chống gout khi có thể dùng liều nhỏ điều trị gout mãn tính và liều cao để đối phó gout cấp tính. Thuốc được sử dụng hiệu quả nhất ở 12 giờ đầu xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên cần lưu ý thuốc có tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc ngộ độc ở liều cao;
Thuốc corticosteroid: Prednisolon, dexamethason, solumedrol có thể dùng để điều trị cơn gout cấp nếu bệnh nhân không đáp ứng với steroid và colchicine. Thuốc giúp giảm đau và viêm khá nhanh nhưng cần được theo dõi bởi bác sĩ và dùng với liều giảm dần trong 7-10 ngày. Thuốc chống chỉ định với người loét dạ dày tá tràng.
Bên cạnh đó người bệnh cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị và thực hiện chế độ ăn uống kiêng rượu bia, các loại thịt đỏ và nội tạng động vật, hải sản. Bệnh gout rất hay tái phát nên người bệnh cũng cần đi khám bệnh định kỳ để theo dõi chỉ số acid uric máu nhằm tiên lượng sớm cho các đợt gout tái phát.
Thực tế, bệnh gout khá phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên không phải người dân nào cũng có kiến thức đầy đủ về bệnh, cùng với thói quen sử dụng thuốc tùy tiện sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn. Một số loại thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ hoặc nặng hơn bệnh gout gồm có:
Thuốc corticoid: Mặc dù là thuốc giảm đau và sưng rất nhanh nhưng corticoid cũng là “con dao hai lưỡi” khi về lâu dài có thể gây ra các biến chứng nguy hại như tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, đái tháo đường và gout. Cơ chế của corticoid khi vào cơ thể sẽ cạnh tranh với thải tiết với acid uric ở ống thận khiến lượng acid uric của người bệnh lại càng tăng hơn, vô tình làm nặng thêm tình trạng bệnh gout.
Aspirin: Là loại thuốc kinh điển thuộc nhóm chống viêm không steroid rất phổ biến trước đây để điều trị bệnh khớp. Tuy nhiên, sau này với sự ra đời của các loại thuốc không steroid khác hiệu quả hơn thì aspirin đã dần ít được sử dụng. Thêm vào đó, aspirin liều thấp cũng là nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp do gout thứ phát.
Thuốc lợi tiểu: Tất cả các loại thuốc lợi tiểu (trừ spironolacton) đều ảnh hưởng đến sự thải trừ acid uric của cơ thể, khiến gia tăng acid uric trong máu dẫn tới bệnh gout. Vì vậy bệnh nhân viêm khớp do gout dùng thuốc lợi tiểu cần theo dõi nồng độ acid uric máu để phát hiện sớm các biểu hiện của cơn gout cấp.
Đọc thêm: VIÊM KHỚP THIẾU NIÊN THỂ HỆ THỐNG: NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ